Dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp lao đao khi vắng khách, không bán được sản phẩm/dịch vụ. Thay vì “phó mặc” cho số phận, tại sao doanh nghiệp không tìm ra cách để “sống chung” với nó? Dưới đây là 3 cách sáng tạo, chuyển đổi mô hình kinh doanh mà doanh nghiệp có thể tham khảo để áp dụng.
1. Cửa hàng trong cửa hàng
Ví dụ điển hình của mô hình này chính là Masan đã mua 20% cổ phần của Công ty Phúc Long Heritage và hợp tác phát triển mô hình ki-ốt Phúc Long tại VinMart+. Đây là sự hợp tác cả hai cùng có lợi.
Đối với Phúc Long, mô hình này giúp cho Phúc Long tiết kiệm được chi phí thuê mặt bằng, mở rộng chuỗi hệ thống theo các điểm bán có sẵn của VinMart+. Trong thời điểm giãn cách, Phúc Long không được mở bán tại chỗ nhưng nhờ vào lượng khách của VinMart mà Phúc Long có thể bán mang đi.
Đối với VinMart+, sự hợp tác này giúp VinMart thu hút được nhiều khách hàng từ nhiều phân khúc khác nhau nhờ vào lượng khác ổn định đến từ Phúc Long.
2. Cửa hàng đa thương hiệu
PNJ là một ví dụ điển hình cho mô hình sáng tạo này. Đó là việc PNJ phân phối các sản phẩm của thương hiệu trang sức quốc tế Pandora tại các hệ thống cửa hàng của mình. Cách này giúp cho PNJ vừa có thêm lượng khách hàng lại vừa làm tăng thêm tính quốc tế cho thương hiệu của mình. Ngoài ra, sự kết hợp này giúp PNJ tối ưu hóa mặt bằng, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao trải nghiệm của khách hàng.
Ngoài PNJ thì Thế Giới Di Động cũng là cửa hàng đang “thử sức” với mô hình cửa hàng đa thương hiệu. Hiện nay, ngoài bán các sản phẩm như thông thường thì Thế Giới Di Động còn thử nghiệm bán xe đạp từ các thương hiệu nổi tiếng như RoyalBaby, Giant hay Fornix tại một số cửa hàng Điện Máy Xanh.
3. Bán hàng đa kênh
Đây là cách được nhiều doanh nghiệp áp dụng nhất hiện nay. Để tìm kiếm và tương tác với khách hàng mọi lúc mọi nơi, trên mọi nền tảng, các doanh nghiệp đã tích hợp đồng bộ các kênh “cửa hàng bán lẻ – trang web e-commerce – trung tâm chăm sóc khách hàng – mạng xã hội” vào một hệ thống quản trị chung.
Thói quen mua sắm của người tiêu dùng đang được thay đổi từng ngày, mua sắm online ngày càng trở nên phổ biến. Và các kênh digital này sẽ giúp cho doanh nghiệp tiếp cận và thấu hiểu khách hàng tốt hơn.
Ví dụ 1: Khách hàng vào website để mua hàng, đã cho sản phẩm vào giỏ hàng nhưng lại chưa quyết định mua. Một lúc sau khi họ vào facebook, họ sẽ nhìn thấy những quảng cáo về sản phẩm đó xuất hiện giống như là lời “nhắc nhở” họ quay lại website để hoàn tất thủ tục đặt mua. Với cách này tỷ lệ người quay lại đặt mua sẽ cao hơn so với việc không làm gì hết.
Ví dụ 2: Dịch vụ “đi chợ hộ” mà nhiều doanh nghiệp trên cả nước đang áp dụng cũng là một cách hay để doanh nghiệp có thể tham khảo. Với cách này, khách hàng chỉ cần đặt hàng qua ứng dụng thì sản phẩm sẽ ngay lập tức được giao tới tận nhà. Doanh nghiệp nhờ vậy vẫn tiếp tục có doanh thu, thậm chí là tăng trưởng trong thời kỳ khó khăn này.
Những cách nói trên đều là những gợi ý sáng tạo và hay ho để doanh nghiệp có thể ứng phó với những khó khăn do dịch bệnh gây ra, đồng thời tăng doanh thu và tiếp tục phát triển bền vững.
Xem thêm: