Tháng Ramadan ngày càng trở nên quen thuộc với người dân nhiều nơi trên thế giới. Với người Chăm theo đạo Hồi tại An Giang, đây là lễ quan trọng trong năm.
Tháng Ramadan là gì?
Ramadan là tên gọi tháng thứ 9 của âm lịch Ả Rập. Tháng Ramadan theo dương lịch thay đổi từng năm, không có ngày thống nhất. Nhiều người gọi Ramadan một cách đơn giản là “tháng nhịn ăn” hoặc “tháng ăn chay”, nhưng cả hai cách gọi đó đều không đúng, bởi vì các tín đồ chẳng ăn chay hoàn toàn, cũng không nhịn ăn hoàn toàn. Tên gọi tháng Ramadan là chính xác nhất.
Trong suốt một tháng lễ này, tất cả các tín đồ đạo Hồi đều thực hiện nghiêm túc quy định: không ăn, không uống, không hút thuốc… nghĩa là không được đưa bất kể thứ gì vào miệng (kể cả không sinh hoạt tình dục), nhưng chỉ áp dụng vào ban ngày – cụ thể là từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn mà thôi.
Tuy nhiên, vẫn có những ngoại lệ như những người ốm, người già, trẻ em, phụ nữ mang thai và đang cho con bú có thể không tuân theo luật lệ này nếu việc ăn kiêng có hại cho sức khỏe.
Đặc điểm của tháng nhịn ăn Ramadan
Các ngày trong tháng Ramadan được phân ra theo mức độ như sau: từ 1-10 Ramadan được coi là những ngày cầu nguyện để được “sự nhân từ của Allah” (God’s Mercy) , từ 11-20 Ramadan được coi là những ngày “Allah xoá tội” (God’s Forgiveness), từ 20-30 Ramadan được coi là những ngày cầu nguyện để “tránh phải xuống Địa Ngục (Salvation from Hellfire).
Mỗi ngày trước lúc mặt trời mọc, họ sẽ ăn bữa ăn đầu tiên trong ngày gọi là Suhoor, sau đó nhịn ăn uống cả ngày. Buổi tối khi có tiếng trống báo hiệu, mọi người trong cộng đồng cùng quây quần với nhau trong bữa ăn tối gọi là Ifar. Ðây là bữa tiệc phong phú để cung cấp năng lượng cho tín đồ sau một ngày nhịn đói khát.
Ramadan là sự kiện quan trọng trong đời sống tôn giáo của người Chăm ở An Giang, nên dù làm ăn buôn bán ở đâu họ cũng trở về quê nhà để thực hành nghi lễ và sum họp gia đình.
Ngay sau khi kết thúc tháng Ramadan, người Chăm tại An Giang sẽ chính thức bước vào Tết Roja vào ngày 1 tháng 10 Hồi lịch, mang ý nghĩa là ngày xả chay và bố thí cho người nghèo.
Có thể xem tháng Ramadan và Tết Roja là thời điểm đặc biệt và vui nhất của người Chăm theo đạo Hồi tại An Giang. Các lễ hội này đang góp phần tạo nên sự gắn kết của đồng bào Chăm, đồng thời tạo nên nét văn hóa đặc trưng, ấn tượng với các dân tộc khác và du khách từ nhiều nơi.
>>> Xem thêm: